Loại nước mắm gia đình sử dụng bấy lâu nay là nước mắm truyền thống hay được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp đang là câu hỏi khiến nhiều người tiêu dùng băn khoăn hiện nay, nhất là sau thông tin ồn ào về việc nước mắm công nghiệp có chứa nhiều thành phần hóa chất và tranh cãi xung quanh việc nước mắm cao đạm có chứa hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định. Vậy làm thế nào để phân biệt nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống .
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm – Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh), nước mắm công nghiệp không sản xuất theo quy trình truyền thống mà chủ yếu là lên men đạm thực vật, thường là đậu nành, thủy phân bằng nhiều phương pháp rồi pha chế hương liệu trộn dung dịch đạm thành nước mắm.
Sự khác nhau cơ bản giữa nước mắm công nghiệp và truyền thống là nước mắm truyền thống hoàn toàn là một sản phẩm từ cá tự nhiên, không có phụ gia bảo quản, phụ gia tạo màu, tạo hương, tạo vị.
“Những loại nước mắm công nghiệp có độ đạm cao như nhiều nhãn nước mắm quảng cáo là do họ pha chế một lượng lớn đạm tổng hợp; còn đối với đạm ở trong cá, thường độ đạm chỉ ở mức 30%, chứ không lên đến mức 70% hay 80%”, bà Bình cho biết.
Vì vậy, cách đầu tiên để phân biệt nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống đó là dựa vào thành phần được ghi ở nhãn mác bao bì sản phẩm.
Trong khi nước mắm công nghiệp có tới 20 thành phần như nước, muối, cốt cá cơm, đường, chất điều vị, chất bảo quản, chất tạo màu, hương cá… thì nước mắm truyền thống chỉ có 2 thành phần chủ yếu là muối và cá.
Bỏ qua các thành phần như nước, đường và muối mà ai cũng biết thì chai nước mắm công nghiệp này còn sử dụng 3 nhóm thành phần như sau:
Thứ nhất là chất điều vị: 621 (mì chính); 631 (chất siêu mì chính); 627 (chất siêu mì chính). Như vậy, thay vì vị ngọt của cá thì người tiêu dùng thực chất chỉ đang thưởng thức vị ngọt của mì chính và chất siêu mì chính.
Tiếp theo là nhóm chất bảo quản bao gồm 211 và 202. Theo các chuyên gia, chỉ những thực phẩm nhanh thối mới cần dùng cùng lúc 2 chất này.
Bên cạnh đó, một số loại nước mắm công nghiệp còn sử dụng các chất tạo màu như caramel 150A, chất tạo màu 124, 110. Các chất trên sẽ giúp nước mắm có màu vàng cánh gián đẹp mắt và bền màu hơn.
Ngoài ra, còn có một số thành phần khác như đường công nghiệp, chất điều chỉnh vị axit để đem lại vị chua nhẹ cho nước mắm, hương cá tổng hợp (có thể là hương cá hồi).
Về cảm quan, người tiêu dùng có thể phân biệt nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp bằng cảm quan bên ngoài đó là đưa chai mắm soi ra ngoài ánh sáng, sau đó dốc ngược chai xuống, nếu thấy nước trong thì ổn, nếu thấy có cặn xuất hiện thì tuyệt đối không nên mua. Nước mắm trong chai màu vàng là loại tốt. Tuy nhiên, màu vàng sẽ bị sẫm lại so với lúc mới mua, vì sau khi dùng một thời gian, màu sắc sẫm đi là dấu hiệu tự nhiên của nước mắm truyền thống.
Nước chấm, nước mắm công nghiệp chủ yếu sử dụng hương liệu để tạo mùi trong khi mùi của mắm truyền thống phụ thuộc vào chất lượng của cá nguyên liệu (cá tươi sống hoặc đã ươn, chết khi đưa vào ủ chượp) và phương pháp làm mắm. Nếu cá tươi, đồng đều chất lượng, được ủ theo phương pháp gài nén và kéo dài thời gian ủ thì mùi nước mắm thành phẩm thường thơm nhẹ, hậu vị béo. Cá tạp, chất lượng kém phải ủ bằng nhiều muối để chống thối, thời gian ủ ngắn nên nước mắm thường mặn, màu đen và mùi gắt. Mùi thơm của mắm truyền thống cảm nhận rõ nhất khi dùng đồ nóng chấm với mắm nguyên chất do hương thơm nhẹ, có thể chấm xôi nếp trắng nóng, giò nóng… để phân biệt.